Tác giả :
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI CHÂN LÝ
CỦA HỒ CHÍ MINH ĐẦU THẾ KỶ XX


Tiến sỹ Sử học NGUYỄN ĐÌNH CẢ
                                                               Khoa Lý luận chính trị
        Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM 
                                   
Từ thành phố này, Người đã ra đi tìm chân lý cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam đến thế kỷ XX. Không có ai đưa tiễn, không có bạn đồng hành, không dựa vào người khác, không theo các bậc tiền nhân, Văn Ba chọn cho mình một lối đi thẳng vào cuộc sống. Trải qua lao động, kiếm sống, quan sát, khảo nghiệm; không nhờ vả, trông cậy vào nước này, nước khác, “Ông nọ bà kia”; không giáo điều, mọt sách, tầm chương trích cú, sao chép, rập khuôn máy móc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được chân lý cho dân tộc Việt Nam. Muốn cứu nước và giai phóng dân tộc, không có con đường nào khác cách mạng vô sản! Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo thành hiện thực cách mạng sinh động: Không có gì quý hơn độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Một trăm năm từ ngày Người ra đi, đất nước Việt Nam vẫn đang tiếp tục hành trình theo chân lý của Người, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Không chịu được nỗi nhục mất nước, đã có nhiều người con của đất nước Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng thật trớ trêu, tất cả các con đường cứu nước đều trở nên bất lực trước sự tàn bạo của chế độ thực dân. Một nhà thơ đã viết đại ý rằng: 
Ông cha ta đấm nát cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá!
Trước sự bế tắc của lịch sử đầu thế kỷ XX, có một con người đã làm thay đổi lịch sử, làm thay đổi cuộc đời. Con người đó là Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tại sao những người tiền bối, những người đương thời đều thất bại khi tìm con đường cứu nước? Vì sao những con đường cứu nước mà họ tìm được lại sai lầm, không phù hợp và thất bại? Vì sao Nguyễn Ái Quốc lại tìm được con đường cứu nước đúng đắn? Tục ngữ dân tộc Việt Nam có câu: Vạn sự khởi đầu nan! Cũng như nhiều người Việt Nam đường thời ra đi tìm đường cứu nước, cứu nhà, Văn Ba cũng ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng khác với nhiều người ra đi, nhiều cuộc ra đi theo lối mòn, theo mốt, theo xu hướng hợp thời lúc bấy giờ, Văn Ba đã chọn lựa một sự ra đi hết sức độc đáo và sáng tạo. Kết quả của sự độc đáo và sáng tạo này là đã tìm được chân lý, tìm đúng sản phẩm  mà nhân dân cần, lịch sử cần, đất nước cần. đó là con đường gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đó là chân lý độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Hành trình đi tìm đến với chân lý của Người được thể hiện ở những dấu ấn sau:
Tự mình ra đi tìm đường cứu nước, không đi theo người khác, không có một tổ chức nào đỡ đầu, không dựa dẫm vào nước này, nước khác hay nhờ vả kêu gọi người khác giúp mình tìm con đường cứu nước, cứu nhà.
Không hô hào, kêu gọi ồn ào, hay tập hợp lực lượng để cứu nước cứu nhà như những người yêu nước tiền bối đã làm. Cũng không bó tay ôm gối, ngậm đắng nuốt cay ngồi nhìn giang sơn chìm đắm trong nỗi nhục mất nước. Càng không trốn chạy cuộc đời, vùi đầu vào chốn bồng lai, tiên cảnh "để nắng trôi đi oan uổng bấy nhiêu ngày". Người thanh niên tuổi vừa bước qua tuổi 20 Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911 ở bến cảng Nhà Rồng - Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Không có người đưa tiễn, không có người cưu mang, không theo một đường dây, một tổ chức nào bảo trợ, anh thanh niên với cái tên Văn Ba, nghề nghiệp là phụ bếp đã bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước với vốn liếng không có gì khác hơn chính bản thân mình. Yếu tố tự thân, tự lực, tự cường như là một nhân tố tự nhiên của con người Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam. Ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành xuất phát với yếu tố tự thân, tự mình tìm đường. Có rất nhiều cách thức và rất nhiều con đường để đi tìm chân lý. Bắt đầu tốt nhất, khởi đầu tốt nhất là sự khởi đầu trên cơ sở điều đã có, những nhân tố đã có. Sự sáng tạo đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành mang quy luật tự thân vận động. Chính sự khởi đầu đúng đắn và hợp quy luật này là cơ sở cho những thành công tiếp theo của Người trên hành trình tìm đường cứu nước. Với yếu tố tự thân này đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của một con người khi một thân một mình đối mặt với thế giới, đối mặt với những thách thức ở phía trước. Cũng từ yếu tố tự thân này, chúng ta bắt đầu nhìn thấy bóng dáng của một lãnh tụ, của một vĩ nhân, một người anh hùng.
Không ngờ cậy ai, nương nhờ người khác tìm lối, chỉ đường cho mình ở một lĩnh vực mà hầu như cả dân tộc và nhiều lớp người đã bất lực bó tay, đã thể hiện một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng làm thay đổi cuộc đời và một trí tuệ đủ tri thức để tìm thấy con đường cách mạng. Thái độ tự tin của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trước những sóng gió của cuộc đời là kết quả của cả một quá trình nhận thức cả về lý luận và thực tiễn con người, đất nước, kẻ thù, khả năng của mỗi giai cấp, tầng lớp, của nước này, nước khác trên thế giới. Chỉ khi thấy rõ như ban ngày bộ mặt thật một thế giới đầy mâu thuẫn và bí ẩn thì Nguyễn Ái Quốc mới đủ bản lĩnh để không phải dựa vào ai cả, cũng chẳng nhờ người nào hoặc nước nào đó giúp đỡ. Từ đây, chúng ta thấy rõ lòng kiêu hãnh và khát vọng cháy bỏng của Nguyễn Ái Quốc về một con đường cứu nước mới mà điểm đầu tiên là phải tự mình chinh phục, tự mình tìm ra. Đồng thời, việc tìm kiếm đó không bị lệ thuộc, không bị ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, không do người khác gợi ý hay giúp đỡ mang lại. Dấu ấn sáng tạo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trong hành trình tìm đường cứu nước không có gì xa lạ mà rất cụ thể, thiết thực. Điều đó bắt nguồn từ chính mình, tự mình, tin vào bản thân mình. Đây chính là tiền đề đầu tiên mở ra hướng tiếp cận và chọn lựa đúng đắn con đường cứu nước và giải phóng dân tộc của Người: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Đi vào cuộc sống, lao động, hoà mình vào trong đời sống của các tầng lớp  nhân dân từ đó mở mang nhận thức, tìm ra chân lý cách mạng từ thực tiễn sinh động của đời sống, của các cuộc đấu tranh, các cuộc cách mạng.
Điểm khác biệt lớn nhất của Nguyễn Ái Quốc với hầu hết những người đã và đang ra đi tìm đường cứu nước lúc bấy giờ chính là ở sự xuất phát ban đầu của Người. Có rất nhiều con đường để đi ra nước ngoài, để đi tìm con đường cứu nước, nhưng cách thức và sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc là hết sức độc đáo. Nói như vậy vì khi đề cập đến lý luận, đến con đường, chúng ta thường nghĩ đến cuốn sách này, tác phẩm nọ, nghĩ đến lý luận này, trường phái kia, ít ai cho rằng cứ lao động đi, làm việc đi thì sẽ có lý luận, sẽ tìm được lý luận. Vì thế, khi Văn Ba nói với những người bạn của mình là ra đi tìm đường cứu nước thì họ rất ngạc nhiên, nghi ngờ. Họ không thể nhận thức được rằng câu trả lời chân thành cụ thể của người phụ bếp trên con tàu buôn năm xưa là cơ sở cho một tư tưởng lớn, là tiền đề cho việc nhận thức lý luận khoa học. Các nhà lý luận Mác - Lênin đã khẳng định: Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra được quy luật này. Không thể có một thứ đường lối, một thứ lý luận được hình thành từ... lý luận. Nếu có thì đó là kinh viên chủ nghĩa, là giáo điều máy móc, là tầm chương trích cú chứ không phải là chân lý khoa học. Lý luận khoa học là thứ lý luận được tổng kết từ thực tiễn. Các nhà yêu nước Việt Nam trước đó dù đã đọc nhiều sách lý luận, tham khảo nhiều kinh nghiệm cách mạng, học hỏi cách thức tổ chức đấu tranh. Nhưng tất cả những thứ đó đều nằm trên các bàn giấy, trang sách vở, trong các kho tư liệu, thư viện hay các dinh thư, tư thất sang trọng. Những loại lý luận đó đều không thể áp dụng, vận dụng hoặc có thể đi vào cuộc đời. Đi vào đời sống, đi vào lao động, hòa mình vào cùng với các giai cấp, các tầng lớp người lao động, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đi tìm ra những chân lý vô cùng đơn giản nhưng giá trị thì cực kỳ to lớn. Chân lý đó là: những người lao động, những người bị bóc lột bất luận da vàng hay da trắng, da đen và dù ở thuộc địa hay ở chính quốc thì họ cũng đều là người làm thuê, là người bị bóc lột, họ đều là bạn, là đồng chí. Còn chủ nghĩa tư bản dù ở chính quốc hay ở thuộc địa thì cũng là kẻ bóc lột, là kẻ thù của nhân dân lao động. Mác và Ăngghen là những người thuộc tầng lớp trên của xã hội. Nhưng tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của các ông đều thuộc về giai cấp công nhân và những người lao động. Nguyễn Ái Quốc từ một học sinh, từ tầng lớp trên đã hoà mình vào với những người lao động. Người đã từng là công nhân, nhân viên, phóng viên, làm bếp... Cũng từ địa vị là người công nhân, là người lao động, Nguyễn Ái Quốc nhận thức được sức mạnh của sự đoàn kết, tính kỷ luật, sự giác ngộ và khả năng cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đây là cơ sở cho sự chuyển hoá từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Con đường đến với lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là con đường lao động và thông qua lao động. Mười năm ra đi tìm đường cứu nước cũng là mười năm người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc lao động miệt mài, chăm chỉ. Lao động để kiếm sống, lao động để tìm hiểu, lao động để học tập, lao động để giác ngộ, rèn luyện bản lĩnh và trí tuệ, lao động để tìm ra chân lý khoa học cách mạng. Đó là một chặng đường lao động đạc biệt của Nguyễn Ái Quốc với một sản phẩm là chân lý cách mạng cho toàn dân tộc..
Nguyễn Ái Quốc tham gia hoạt động chính trị, tiếp cận với các trường phái cách mạng, các luồng tư tưởng, khảo nghiệm tính chân thực của các cuộc cách mạng, lựa chọn sang lọc nghiên cứu cả hình thức, nội dung và hiệu quả để chọn đúng con đường mà cả dân tộc Việt Nam đang chờ đón, tránh được giáo điều, rập khuôn, máy móc.
Người Việt Nam có câu cách ngôn: Đi một ngày đàng học một sàng khôn! Đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 29 quốc gia trong hành trình tìm đường cứu nước, điều mà Nguyễn Ái Quốc thu được là gì? Trong lời tâm sự với những người bạn trên hành trình đi ra nước ngoài, anh thanh niên Văn Ba đã nói: tôi đi ra nước ngoài, xem các nước họ làm như thế nào, từ đó mà học tập, chọn lọc rồi về cùng nhân dân, đất nước làm cách mạng. Đến nước Pháp, Người đặt ra câu hỏi: tự do, bình đẳng, bác ái ở đâu? Đất nước Mỹ, Người đến chân tượng Thần Tự Do để xem thế giới tự do là như thế nào, văn minh là thế nào khi vào khu lao động HácLem, và những khu nhà tồi tàn phía sau sự hào nhoáng của các toà nhà sang trọng, được coi là thế giới tự do?. Đến châu Phi, Người đồng cảm với thân phận của những người nô lệ da đen. Họ cũng là những anh Pha, chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố ở Việt Nam. Từ quan sát chiêm nghiệm cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc nhận ra đâu là cách mạng chân chính, đâu là cách mạng đầu lưỡi, cách mạng nửa vời. Như là cái duyên của dân tộc và thời đại, giữa lúc người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đang trong hành trình tìm đường cứu nước thì cách mạng tháng Mười Nga 1917 nổ ra. Đây là "mười ngày rung chuyển thế giới". Châu Âu vốn là quê hương của các cuộc cách mạng đã bùng nổ ra một cách mạng vạch thời đại. Sự kiện này tác động hết sức mạnh mẽ đến việc chọn lựa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Tuy chưa thật rõ ràng và cụ thể, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng của bản thân mình vào sự kiện lịch sử đặc biệt này. Sau cách mạng tháng Mười Nga thành công, tháng 3-1919 Quốc tế Cộng sản do V.I Lênin sáng lập đã dương lên ngọn cờ đấu tranh cho giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Để rồi khi cầm trên tay bài báo của V.I Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất, luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã không dấu được niềm hạnh phúc vô bờ. Cụm từ cách mạng thuộc địa là điều mà Nguyễn Ái Quốc đang cần và cả dân tộc Việt Nam cũng đang chờ đợi. Bài báo nhỏ của V.I Lênin, nhưng nó là cái “cẩm nang” cho phong trào cách mạng thuộc địa, trong đó có cách mạng Việt Nam. Mười năm đi tìm con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là 10 năm lao động, học tập, từng bước trưởng thành trong nhận thức, trong tư duy về con đường cách mạng cho dân tộc. Chọn con đường nào cho dân tộc Việt Nam? Lực lượng ở đâu cho cuộc cách mạng? Dùng phương cách gì để tiến hành thắng lợi? Cùng với lao động, học tập, tham gia hoạt động chính trị, tư duy về con đường cách mạng Việt Nam cứ dần dần hình thành. Chọn lựa, sàng lọc các cuộc cách mạng ở các nước tư sản, Người nhận thấy các cuộc cách mạng ấy làm không đến nơi. Khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, Người đã hướng về cuộc cách mạng này. Nhưng cách mạng Nga vẫn khác so cách mạng Việt Nam vì Nga là một nước tư bản lớn. Ở đó giai cấp công nhân lớn mạnh, có đảng tiến bộ, có lãnh tụ V.I Lênin thiên tài... Rồi như là sự “tình cờ” của lịch sử, khi V.I. Lênin viết Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các dân tộc thuộc địa thì nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc  đã chín muồi trên con đường khảo nghiệm, tìm kiếm lý luận cách mạng. Kết thúc chặng đượng hành trình tìm đường cứu nước với cẩm nang về cách mạng thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời trở thành người cộng sản. Dấu ấn lớn nhất trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là tìm được con đường cứu nước mới, mà cũng chính từ hành trình ấy đã hình thành một con người, một tài năng, một nhân cách, một lãnh tụ thiên tài cho cách mạng Việt Nam. Thành quả của Nguyễn Ái Quốc trong hành trình tìm đường cứu nước trước hết xuất phát từ lòng yêu nước và khát vọng cứu nước của tuổi trẻ. Đây là một sự dấn thân và hiến thân cho dân tộc, cho đất nước. Một câu ngạn ngữ của người Phương Tây nói dại ý rằng: Hãy làm đi khi chúng ta còn trẻ! Chính sự hiến thân dũng cảm của tuổi trẻ đã làm nên một Nguyễn Ái Quốc - ngôi sao sáng nhất trên bầu trời cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Kết quả này của Nguyễn Ái Quốc còn xuất phát từ sức mạnh và trí tuệ siêu việt của một thiên tài! Để có những phút giấy thăng hoa khi tiếp cận trực tiếp với Bản Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các dân tộc thuộc địa của V. I Lênin, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đi hết tuổi trẻ của mình, đã sử dụng toàn bộ quãng đường trong sáng nhất, toàn vẹn nhất, mạnh mẽ nhất cả về thể lực và trí lực cho việc tìm ra con đường cứu nước. Sự chọn lựa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc  cũng chính là sự chọn lựa của chính lịch sử dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ sự lựa chọn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã hiện thực hoá con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc thành cách mạng tháng Tám 1945 lật nhào chế độ thực dân phong kiến, cháy lên ngọn lửa chống ngoại xâm để quét sạch lũ đế quốc lang sói trên đất nước ta và tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với đổi mới đang nở hoa kết trái.
Kỷ niệm 115 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta trở về với sự mở đầu sáng tạo của chính Người không có gì khác hơn là muốn hiểu sâu hơn tư tưởng cách mạng của Người, muốn nhận thức được nhiều hơn giá trị khoa học của con đường cứu nước do Người chọn lựa, mang lại cho nhân dân Việt Nam. Người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh đã mang lại cho dân tộc ta con đường cứu nước, cứu nhà. Lẽ nào Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cứu được nước nhà thoát khỏi nô lệ lầm than để đến với độc lập hoà bình mà chúng ta lại không xây dựng được đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như ý nguyện dang dở của Người. Đất nước ta đang đổi mới, cùng với lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở, nền tảng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động của đất nước. 
Kỷ niệm 115 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 1911 - 2016, toàn Đảng, toàn dân đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người và thực hiện Nghị quyết đại hội  lần thứ 12 của Đảng. Cùng với cuộc vận động này, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt trong di sản tư tưởng của Người cần nhấn mạnh những vấn đề cơ bản như đề cao hiệu quả kinh tế xã hội một cách thiết thực, coi trọng tính nhân văn, chủ nghĩa nhân văn, giá trị đạo đức của con người; xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đoàn kết, dân chủ trên cơ sở của luật pháp, triệt để chống tham nhũng và những tiêu cực của xã hội trong quá trình phát triển. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển điểm sáng, điểm tốt ở các sơ sở, địa phương để bổ sung và phát triển lý luận, đề xuất cái mới, cách làm mới tiếp tục bổ sung lý luận cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng thành công tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay chính là sự tiếp tục và phát huy kết quả tìm đường cứu nước đầy sáng tạo của Người ở đầu thế kỷ XX.


Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Menu Chi bộ - Đoàn thể

Menu Hồ sơ giảng viên

Copyright © 2013, Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật - TP.HCM

Địa chỉ: 1 Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84 - 8) 38968641 - (+84 - 8) 38961333

E-mail: kctl@hcmute.edu.vn

Truy cập tháng:2,343

Tổng truy cập:2,343